24/10/2019 2241 Lượt xem 2.00

Nông trường Bến Hải - nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, để bảo vệ, củng cố và xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, đồng thời thực hiện sách lược tạm thời giải trừ quân bị sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta tổ chức chuyển một số đơn vị quân đội sang làm kinh tế theo mô hình nông trường quân đội nhằm bố trí lại chiến lược phòng thủ, dân cư, thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân, xây dựng CNXH theo con đường hợp tác hoá nông thôn. Những người có mặt bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng nông trường đó là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (sư đoàn Bình Trị Thiên anh hùng) và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 101, Trung đoàn 95, Trung đoàn 70 được điều về xây dựng Nông trường Bến Hải. 

Những này đầu mới thành lập, Nông trường Bến Hải được quy hoạch sử dụng 700 ha đất đỏ bazan vùng Đông Nam thị trấn Hô Xá. Nhiệm vụ của Nông trường lúc này không chỉ khai thác tiềm năng đất đai để phát triển cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu mà còn là địa bàn chiến lược trong phòng thủ chiến đấu của khu vực Vĩnh Linh. Chỉ trong vòng 8 năm, bằng sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của những người lính, Nông trường đã hoàn thành công tác khai hoang, kiến thiết cơ bản, trồng được 259 ha cao su và 230 ha hồ tiêu, tổ chức chăn nuôi bò, lợn tập trung, hình thành cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn của nền kinh tế quốc doanh XHCN đầu tiên nơi địa đầu giới tuyến. 

Năm 1961, 2 Nông trường Bến Hải và Quyết Thắng ở hai địa bàn chiến lược của Khu vực Vĩnh Linh sáp nhập, mang tên Nông trường 20/12 do Bộ Nông trường quản lý. Cơ chế chuyển đổi, Nông trường bắt đầu tuyển dụng công nhân mới từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình và hợp lý hoá gia đình cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội trước đây thành công nhân Nông trường; đồng thời cử cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế; tiếp nhận cán bộ được đào tạo mới ra trường do Nhà nước điều động về công tác tại Nông trường. Đây là giai đoạn để lại nhiêu dấu ấn nhất về tinh thần thi đua ái quốc của tập thể cán bộ công nhân viên của Nông trường. Nhờ miệt mài, sáng tạo, say mê lao động sản xuất nên đã có hàng chục cán bộ, công nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cấp Bộ, gần 100 quần chúng ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng. 

Năm 1965, giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. Vĩnh Linh nói chung và Nông trường Bến Hải nói riêng bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, đảm bảo sản xuất, phục vụ chiên đấu và trực tiếp chiến đấu để bảo vệ thành quả sau nhiều năm xây dựng, đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Do yêu cầu nhiệm vụ mới, năm 1966 Nông trường 20/12 lại chia tách, 2 Nông trường trở về với tên gọi cũ. 

Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Vĩnh Linh, Đảng uỷ và Ban giám đốc cùng 193 cán bộ và công nhân Nông trường Bến Hải, trong đó có 96 đảng viên đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 


Trên diện tích nhỏ bé 700 ha của Nông trường đã phải hứng chịu 2092 lượt đánh phá với 58.638 tấn bom đạn các loại, lực lượng Tự vệ Nông trường đã tổ chức 120 trận đánh tra máy bay Mỹ, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay Mỹ, phục vụ tiếp tế, vận tải thương binh từ chiến trường ra với 2637 ngày công; huy động 48.740 ngày công để xây dựng trận địa cho bộ đội, xây dựng công sự, chiến hào, hầm trú ẩn, địa đạo với tổng chiều dài 43 km hào giao thông, 235 tiểu đạo, 4 trung đạo và 6 địa đạo, 124 hầm lộ thiên, 31 hầm có nắp dày phục vụ hội họp, 22 hầm nhà trẻ...Nhờ vậy mà công tác phòng tránh cho cán bộ công nhân được bảo đảm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do địch gây ra, tổ chức sản xuất trong điều kiện địch đánh phá hết sức ác liệt, liên tục kéo dài. 

Nông trường Bến Hải đã góp phần xứng đáng cùng quân dân khu vực Vĩnh Linh làm nên luỹ thép anh hùng. Bên cạnh những thành tích chung đó, năm 1967, Nông trường Bến Hải được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 Huân chương các loại khác, Tự vệ và công nhân Nông trường Bến Hải được tặng cờ thi đua Quyết Thắng. Trong cuộc chiến tranh huỷ diệt của kẻ thù, Nông trường Bến Hải bị thiệt hại hết sức nặng nề: 2000 m2 nhà ở kiên cố của nông trường bộ và nhà xưởng, kho tàng bị phá huỷ; 209 ha cao su kinh doanh, 100 ha hồ tiêu bị tàn phá; có 43 cán bộ công nhân viên và 12 học sinh là con em công nhân đã ngã xuống trên mảnh đất nông trường Bến Hải. 

Bước ra khỏi chiến tranh, trên hoang tàn đổ nát, cán bộ, công nhân đã dốc lòng, chung sức xây dựng lại Nông trường. Trải qua hàng chục năm, Nông trường có nhiều đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ chế sản xuất- kinh doanh để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội; với nhiều giai đoạn chuyển giao nhưng Nông trường vẫn đứng vững và không ngừng phát triển. 

Năm 2003, Nông trường Bến Hải được chuyển giao từ UBND tỉnh Quảng Trị sang Công ty cao su Quảng Trị quản lý. Đây là bước ngoặt mới, quan trọng trong quá trình phát triển của Nông trường. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Giám đốc Công ty cao su Quảng Trị, chỉ trong 5 năm Nông trường Bến Hải đã bắt nhịp được cơ chế quản lý mới của Công ty, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, tự đổi mới để phát triển. Đến năm 2007, Nông trường hoàn thành đạt 104,14% kế hoạch Công ty giao; được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công nhận Nông trường là thành viên câu lạc bộ đạt năng suất 2 tấn/ha/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện. 

Bên cạnh việc quản lý, khai thác trên 200 ha cao su kinh doanh với sản lượng khai thác và chế biến mỗi năm gần 400 tấn mủ cao su dạng cốm, Nông trường Bến Hải còn là địa chỉ dịch vụ tin cậy về kỹ thuật trồng, khai thác, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho hơn 2500 ha cao su tiểu điền của nông dân vùng Đông Vĩnh Linh với sản lượng trên 2000 tấn mủ mỗi năm. 

Trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công nhân viên Nông trường Bến Hải luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem lại những thành quả kinh tế to lớn cho xã hội. Trong giai đoạn mới hiện nay, Nông trường Bến Hải có nhiều thuận lợi và thời cơ mới, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn. Muốn vượt qua thách thức, đòi hỏi cán bộ, công nhân Nông trường phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý, chỉ đạo và khai thác sản phẩm để phù hợp với thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, hợp tác và mở cửa. Cán bộ, công nhân Nông trường Bến Hải quyết tâm giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với truyền thống vẻ vang mà các thế hệ đã dày công vun đắp; góp phần xây dựng Công ty cao su Quảng Trị không ngừng đổi mới và phát triển. 
(Báo Quảng Trị  13/08/2008)


Tìm kiếm

BÁO CÁO TÀI CHÍNH RIÊNG GIỮA NIÊN ĐỘ CHO KỲ KẾ TOÁN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH RIÊNG GIỮA NIÊN ĐỘ CHO KỲ KẾ TOÁN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 [...]

15/08/2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT GIỮA NIÊN ĐỘ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT GIỮA NIÊN ĐỘ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 [...]

15/08/2023

Thông báo công khai việc đấu giá tài sản năm 2022

Thông báo công khai việc đấu giá tài sản năm 2022 [...]

25/05/2022

Liên kết website

  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: CÔNG TY TNHH MTV CAO SU QUẢNG TRỊ

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


CÔNG TY TNHH MTV CAO SU QUẢNG TRỊ, 264 đường Hùng Vương, Phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: 0533.852.481 hoặc 0533.854.803
- Email: caosuqtri@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
1

Tổng truy cập
Tổng truy cập
0