Doanh nghiệp cao su cần tiếp tục bài toán thắt lưng, buộc bụng
Giá cao su có dấu hiệu tăng trong những tháng qua là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp cao su. PV Tạp chí Cao su VN đã ghi nhận những đánh giá của ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội CSVN (VRA), Trưởng Ban Xuất nhập khẩu VRG xung quanh vấn đề này | |
Giá cao su thời gian qua đã có dấu hiệu tăng, xin ông cho biết những nguyên nhân khiến giá cao su khởi sắc? Ông Võ Hoàng An: Diễn biến thị trường cao su trong nước thời gian gần đây đã có những tín hiệu khả quan. Động thái cắt giảm lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan, Indonesia, Malaysia cộng với giá dầu mỏ tăng trên 50 USD/thùng đã đẩy giá cao su tăng khá, lên hơn 33 triệu đồng/tấn vào đầu tháng 6/2016. Giá cao su thiên nhiên (CSTN) những tháng qua tăng nhờ vào các yếu tố sau: Thứ nhất, nguồn cung cao su thế giới được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới do các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng. Tổng sản lượng của Hiệp hội các nước sản xuất CSTN (ANRPC) chiếm khoảng 92% tổng sản lượng toàn cầu, năm 2014 giảm 1,9% so với năm 2013 và năm 2015 tiếp tục thấp hơn 0,9% so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên trong vòng ít nhất một thập kỷ, sản lượng giảm trong 2 năm liên tiếp. Trong năm 2015, Thái Lan đã vận động VN tham gia Công ty Cao su Quốc tế ba bên (IRCo) nhằm bình ổn giá cao su trên thị trường thế giới. IRCo được thành lập năm 2004 bởi Thái Lan, Indonesia và Malaysia với số vốn 225 triệu USD. Năm 2015, chỉ riêng ba nước này đã sản xuất hơn 8 triệu tấn cao su thiên nhiên, chiếm 66,5% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng cao su của VN năm 2015 đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, xếp thứ 3 toàn cầu. Thứ hai, các nước sản xuất CSTN lớn trên thế giới đang tổ chức thực hiện liên kết, quản lý nguồn cung cân đối phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và các tác nhân khác trong ngành cao su. Thứ ba, tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể. Năm 2015, lượng tồn kho cao su thế giới là 1,84 triệu tấn, giảm từ 2,06 triệu tấn từ cuối năm 2014 và tiếp tục giảm mạnh trong năm 2016. Thứ tư, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới.
Ông nhận xét như thế nào về giá cao su trong năm 2016? Ông Võ Hoàng An: Năm 2016, giá dầu và khủng hoảng kinh tế châu Âu vẫn còn là bức tranh ảm đạm nên giá mủ CSTN vẫn là con số ẩn, dù đã được dự báo sẽ “ấm” lên. Chính vì vậy, để linh hoạt ứng phó, VRG đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục cắt giảm suất đầu tư là giải pháp sống còn (năm 2015 cắt giảm 30%). VRG đã xây dựng kịch bản giá cho các đơn vị trực thuộc là giá thành 25 triệu đồng/tấn, giá bán 26 triệu đồng/ tấn (giảm 5 triệu đồng/tấn so với năm 2015). Như vậy năm 2016, nông dân và doanh nghiệp trồng cao su vẫn phải tiếp tục bài toán “thắt lưng, buộc bụng” để cầm cự “chờ thời, chờ giá”. Bên cạnh đó, cũng có những tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất CSTN khi năm 2016, các nhà máy săm lốp như DRC (Công ty CP Cao su Đà Nẵng), CSM (Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam)… dự kiến nâng công suất lên 200.000 lốp/năm, có thể khiến nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước tăng nhẹ. Đồng thời, Việt Nam đã tìm được thị trường xuất khẩu cao su tới 200.000 tấn/năm sang Nhật Bản. Trước tình hình đó, theo tôi, các doanh nghiệp ngành cao su cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, kết hợp với việc cắt giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc khai thác tiềm năng thị trường nội địa và chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chung trên thế giới thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, là thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thời gian tới, VRA sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cao su VN mở rộng thị trường tiêu thụ. VRA sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để đề xuất những giải pháp ứng phó trong thời kỳ giá thấp. Mặt khác, VRA sẽ không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, quảng bá tiềm lực ngành cao su VN, hợp tác cùng các nước nhằm tìm ra giải pháp cải thiện giá cao su ở mức hợp lý cho cả người sản xuất và người sử dụng. Xin cám ơn ông! Trần Huỳnh (thực hiện) |