Rà soát Tiêu chuẩn TCVN 3769:2004 – Cao su thiên nhiên SVR
CSVN – Hiện nay, tiêu chuẩn ISO 2000:2014 đã được ban hành, thay thế cho ISO 2000:2003 đã bị hủy bỏ. Do vậy, các doanh nghiệp cao su công bố chính sách chất lượng sản xuất SVR theo TCVN 3769:2004 (được xây dựng trên cơ sở ISO 2000:2003) sẽ không còn phù hợp.
Tiến hành rà soát trong thời gian sớm nhất
Tại cuộc họp với Viện Nghiên cứu CSVN, Hiệp hội CSVN (VRA), cùng các ban chuyên môn, vừa qua, ông Huỳnh Trung Trực, Phó TGĐ VRG, đã chỉ đạo thống nhất tiến hành rà soát lại Tiêu chuẩn “TCVN 3769:2004 – Cao su thiên nhiên SVR – Quy định kỹ thuật”.
Được biết, Tiêu chuẩn “TCVN 3769:2004 – Cao su thiên nhiên SVR – Quy định kỹ thuật” là một tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam quy định các chỉ tiêu kỹ thuật của cao su thiên nhiên SVR phù hợp với từng cấp hạng. Tiêu chuẩn này do Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC45 Cao su thiên nhiên biên soạn, trên cơ sở đề nghị của Viện Nghiên cứu CSVN thuộc Tổng Công ty CSVN (tiền thân của VRG). Tiêu chuẩn đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt, Bộ KH&CN ban hành theo Quyết định số 61/QĐ –BKHCN ngày 19/1/2005. Tiêu chuẩn TCVN 3769:2004 được xây dựng trên cơ sở ISO 2000:2003.
Tuy nhiên có những sửa đổi phù hợp với chất lượng SVR đạt được qua thực tế sản xuất trong ngành và tương đương với quy định kỹ thuật trong hệ thống cao su định chuẩn kỹ thuật SMR của Malaysia. Hầu hết các chỉ tiêu theo TCVN 3769:2004 đều cao hơn ISO 2000:2003. (SVR có chất lượng tốt hơn TSR theo ISO). Hiện tiêu chuẩn ISO 2000:2014 đã được ban hành, thay thế cho ISO 2000:2003.
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VRA, Trưởng ban XNK VRG, thì TCVN 3769:2004 so với ISO 2000:2014 hiện nay đã lạc hậu. Việc cập nhật ISO 2014 là xu hướng tất yếu. Nhìn chung các tiêu chuẩn vẫn giống nhau. Việc soát xét tiêu chuẩn là việc phải làm càng sớm càng tốt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, GĐ Trung tâm Công nghệ Cao su, Viện Nghiên cứu CSVN, việc rà soát lại TCVN là việc nên làm theo đồng chuẩn quốc tế, hài hòa tiêu chuẩn chung với các nước ASEAN và tiêu chuẩn quốc tế, sẽ góp phần giúp các đơn vị được thuận lợi hơn trong SXKD.
Không ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các đơn vị
Mặt khác, trong phiên họp Nhóm công tác sản phẩm cao su ASEAN lần thứ 22 vào tháng 3/2016 tại Thái Lan, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đối với Latex cô đặc (ISO 2004:2010) đã được các nước đồng thuận hài hòa, có ý kiến đề nghị đưa tiêu chuẩn “ISO 2000:2014 – Rubber, raw natural – Guidelines for the specification of technically specified rubber (TSR)” vào danh sách hài hòa tiêu chuẩn của khối ASEAN.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó Ban Công nghiệp VRG, nhìn chung các chỉ tiêu TCVN 3769:2014 có chất lượng sản phẩm khắt khe hơn so với Malaysia và Thái Lan. Chỉ có mới là thêm vào sản phẩm lô CV, còn lại là giữ nguyên các tiêu chuẩn chỉ tiêu khác, nên việc cập nhật sẽ không ảnh hưởng gì đến các hoạt động của các đơn vị, mà còn giúp thuận lợi hơn.
Ông Dương Duy Phú, chuyên viên Ban Công nghiệp cho rằng, các thông số ở 2 tiêu chuẩn là hoàn toàn giống nhau. Hiện nay tiêu chuẩn ISO 2000:2014 đã được ban hành, thay thế cho ISO 2000:2003 cũ đã bị hủy bỏ. Do vậy, khi các doanh nghiệp cao su Việt Nam công bố chính sách chất lượng, “Sản xuất SVR theo TCVN 3769:2004 (ISO 2000:2003)” là không còn phù hợp và khiến cho nhiều khách hàng thắc mắc. Mặc dù các chỉ tiêu chất lượng SVR đều vượt trội so với yêu cầu kỹ thuật của ISO 2000:2003 và cả ISO 2000:2014.
Ông Huỳnh Trung Trực, Phó TGĐ VRG nhấn mạnh, việc cập nhật rà soát lại TCVN 3769:2004 là thực sự cần thiết. Sẽ làm càng sớm càng tốt, và tính toán cách làm như thế nào, làm sao để sản xuất chất lượng ổn định, trách nhiệm thuộc về quản lý. Ông Trực cũng đề nghị, giao cho Ban Công nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và VRA có văn bản cụ thể, báo cáo tổng hợp đề xuất, sớm xây dựng kế hoạch, phương án trình lãnh đạo VRG trong thời gian tới, để Tập đoàn có văn bản trình Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt, triển khai phổ biến cho các đơn vị trong ngành trong thời gian sớm nhất.
Minh Tâm