Phát triển bền vững ngành cao su theo góc độ kinh tế và xã hội
CSVNO – Giá cao su thiên nhiên thế giới trải qua nhiều biến động lớn trong những năm gần đây. Giá thấp và dễ biến động ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về mặt kinh tế của ngành cao su. Bên cạnh cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho các ngành, cây cao su còn đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế – xã hội vì có hơn 5 triệu hộ cao su tiểu điền ở các quốc gia thành viên Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).
Với mức giá thấp từ cuối năm 2014, đời sống của người nông dân cao su đã chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian dài.
Chính sách phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên không chỉ xem xét sự phát triển bền vững về góc độ môi trường mà còn về vấn đề kinh tế và xã hội cũng như theo kịp sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia.
Việc áp dụng những công nghệ và tập quán thực hành nông nghiệp tốt nhất sẽ làm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với sự phát triển bền vững của ngành cao su. Các biện pháp để đảm bảo phát triển bền vững bao gồm xác định những vấn đề và thách thức mà ngành phải đối mặt đi kèm với xây dựng các chiến lược và hành động để giải quyết các thách thức.
Về mặt quốc tế, để đảm bảo mức giá mong muốn, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đang thực hiện nỗ lực chung theo hướng ổn định giá cao su thiên nhiên trong dài hạn bằng cách đảm bảo tăng trưởng nguồn cung cao su phù hợp với nhu cầu thế giới, cân bằng lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Kế hoạch thỏa thuận hạn mức xuất khẩu của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam) về việc cắt giảm xuất khẩu tương đương 6% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 01/3/2016 có thể giúp cân bằng cung – cầu trong ngắn hạn.
Về mặt quốc gia, để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu, việc quản lý và duy trì chế độ cạo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất tối đa của vườn cây cao su. Mặt khác, áp dụng công nghệ vào sản xuất đóng vai trò quan trọng nhờ lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Vì vậy cần có chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ để tăng sản lượng thu hoạch.
Trong suốt thời kỳ giá thấp, cần tập trung tái canh hoặc chuyển đổi vườn cây sang các hoạt động kinh tế khác. Những giống cao su cho năng suất thấp phải được thay thế bằng những giống có năng suất cao. Đã có bằng chứng khoa học cho thấy phương pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP – Good Agricultural Practices) là một biện pháp cần thiết để tối đa hóa năng suất và lợi nhuận.
Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, người trồng cao su cần tuân thủ tập quán sản xuất, phương pháp cắt tỉa cành nhánh, bón phân phù hợp, kiểm soát cỏ và dịch bệnh, sử dụng vật liệu trồng có chất lượng cao.
Hiệu quả của chuỗi cung ứng là một khía cạnh khác cần quan tâm để duy trì sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của người trồng cao su.
Theo truyền thống, từ khi mủ cao su thu hoạch từ vườn cây đến nhà máy chế biến phải trải qua nhiều kênh trung gian. Điều này tạo ra những kẽ hở về giá và kết quả là những hộ tiểu điền bán cao su tại vườn với mức giá thấp hơn do trải qua nhiều kênh trung gian.
Giá cao su thiên nhiên thấp kéo dài làm gia tăng lo ngại về sự phát triển bền vững ngành cao su trong dài hạn. Gia tăng sản lượng và năng suất được xác định là những hướng đi chính cho ngành.
Các nước sản xuất cao su thiên nhiên đang thực hiện các biện pháp trong ngắn và dài hạn để đảm bảo tăng trưởng nguồn cung cao su phù hợp với nhu cầu thế giới. Các chiến lược và hành động được thực hiện để giải quyết các thách thức hiện tại sẽ đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành cao su.
theo VRA