NÔNG TRƯỜNG DỐC MIẾU – NHỮNG DẤU MỐC QUAN TRỌNG QUA 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Ngay sau khi công ty Cao su Bình Trị Thiên được thành lập, cùng với thành lập nông trường Cồn Tiên, ngày 24/01/1985, Tổng Cục Cao su đã ban hành Quyết định số 07/TCCB-QĐ thành lập nông trường cao su Bến Hải trên cơ sở nông trường Bến Hải cũ và mở rộng ra vùng Hà Thượng.
Tiền thân của nông trường Cao su Dốc Miếu gắn liền với cái tên “Đội 8” thuộc nông trường Bến Hải chuyển vào để thực hiện nhiệm vụ công ty giao là sản xuất cây giống, khai hoang, trồng đai rừng, … Đến ngày 01/4/1985 công ty thành lập đội trồng mới cao su Dốc Miếu với 165 lao động chủ yếu là người thôn Tân Lịch và các vùng lân cận, sát cáh cùng những người con đến từ các tỉnh Bắc miền Trung để phát triển cây cao su trên vùng đất thuộc “tuyến hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra”. Và một dấu mốc quan trọng: ngày 04/9/1985, tổng cục Cao su đã ban hành Quyết định số 46/TCCB-QĐ chính thức thành lập nông trường Cao su Dốc Miếu.
Lực lượng ban đầu chủ yếu là của nông trường Cao su Dốc Miếu là đội 8 và đội trồng mới Dốc Miếu. Đến ngày 01/01/1986, công ty quyết định tiếp nhận nhân dân hai xã Gio Bình và Gio An vào nông trường Dốc Miếu, nâng diện tích trồng cây cao su của nông trường lên hơn 900 ha. Nhằm tăng cường công tác quản lý đến ngày 15/8/1989 công ty cho tách vùng Gio An thành lập nông trường Trường Sơn.
Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, với biết bao khó khăn nguy hiểm luôn rình rập trên vùng đất giới tuyến còn đầy rẫy bom mìn sót lại sau chiến tranh, nhưng các thế hệ công nhân nông trường Dốc Miếu vẫn đoàn kết, gắn bó quyết tâm khai hoang mở đất xây dựng nông trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Khi về thăm nông trường Dốc Miếu, đồng chí Nguyễn Văn Tư – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp chứng kiến và cảm động trước sự hy sinh, mất mát của công nhân cao su trong quá trình xây dựng nông trường, đồng chí đã tặng CBCNV nông trường và các gia đình công nhân bị tai nạn bom mìn trong quá trình khai hoang 20 triệu đồng. Món quà này tuy nhỏ nhưng là sự động viên và ghi nhận kịp thời công lao đóng góp, hy sinh của những người công nhân cao su trên mảnh đất anh hùng.
Ngày 17/8/1995 nông trường Cao su Dốc Miếu hân hoan làm lễ mở miệng cạo cho 33 ha cao su trồng đầu tiên, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của nông trường. Đặc biệt tử năm 2004 đến nay nông trường là đơn vị nhiều năm liên tục dẫn đầu công ty về thực hiện kế hoạch sản lượng. Nông trường Dốc Miếu cũng là đơn vị đầu tiên của công ty được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công nhận là thành viên “Câu lạc bộ 2 tấn” và đã duy trì danh hiệu 4 năm liên tục từ năm 2004 – 2009. Năng suất sản lượng tăng cao nên đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình công nhân đã vươn lên làm giàu trên vùng quê nghèo khó một thời.
Hiện nay cùng với khó khăn chung của công ty, vườn cây khai thác của nông trường cũng đang trong giai đoạn thanh lý, tái canh trồng mới, năng suất sản lượng sụt giảm nhanh ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Phát huy truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo của các thế hệ đi trước, CBCNLĐ nông trường Dốc Miếu hôm nay sẽ nổ lực phấn đấu sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, vừng bước đi lên trong giai đoạn phát triển mới.