Thu mủ bằng ống và bao PE
Thu mủ bằng ống và bao PE
- 06/10/2021
- 7:30 AM
CSVN – Sáng kiến “Thu mủ bằng ống và bao PE” của anh Trương Văn Mẫn – Trợ lý TGĐ TCT Cao su Đồng Nai trên vườn cây miệng cạo cao đã hạn chế tối đa lượng mủ thất thoát do mưa gió. Đồng thời giúp tăng năng suất vườn cây, tăng thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Năng suất vườn cây tăng đáng kể
“Phương pháp thu mủ truyền thống của những vườn cây có tuổi cạo trên 15 năm, độ cao miệng cạo trên 2,5m là thêm dây dẫn dòng mủ từ miệng cạo vào tô. Phương pháp này khi bị ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi luôn xảy ra tình trạng thất thoát mủ, lượng mủ thất thoát do mưa gió khoảng trên 20%/ năm. Ngoài việc trời mưa có thể làm trôi mủ, thì khi có gió mạnh có thể làm dây rung, giật dẫn đến hao hụt mủ thu được, đôi lúc gặp thời tiết bất lợi lượng mủ có khả năng mất 100%”, anh cho biết.
Từ thực tế trên, với 38 năm gắn bó với TCT, trong đó hơn 17 năm ở cương vị giám đốc nông trường, am hiểu về vườn cây, anh đã có sáng kiến thay thế phương pháp thu mủ trước nay vẫn áp dụng. Từ việc sử dụng máng hứng mủ, dây dẫn mủ, chén hứng mủ, nắp đậy chén, anh đã thay thế thành tổ hợp liên kết gồm máng hứng mủ, ống PVC, bao PE chứa mủ.
Sáng kiến này được Ban lãnh đạo TCT đã đồng ý cho thí nghiệm trên 193 ha tại Nông trường Ông Quế trong thời gian ba tháng để đánh giá các tiêu chí về năng suất lao động, tiền lương, năng suất vườn cây và ước tính kết quả cả năm 2021. Đồng thời, đánh giá những lợi ích gián tiếp của sáng kiến này mang lại, đề xuất định hướng áp dụng trên các đối tượng vườn cây của TCT.
Sau thời gian thử nghiệm, kết quả thu được từ sáng kiến này rất khả quan. Cụ thể: Giúp giảm lượng công nhân từ 34 người xuống còn 26 người (giảm 24%), số cây cạo/phần cạo tăng thêm 157 cây (26%), từ đó giảm được nhu cầu lao động. Việc tăng thêm số cây không làm ảnh hưởng đến công tác thu hoạch mủ, vì bỏ qua được công đoạn trút mủ nước nên có thể sử dụng khoảng thời gian này cạo thêm cây, đây cũng là yếu tố góp phần tăng năng suất lao động.
Phương pháp thu mủ truyền thống trên vườn cây miệng cạo cao phải trải qua 3 công đoạn chính gồm: cạo mủ, trút mủ nước, bóc mủ tạp. Ngoài ra còn các việc không thường xuyên như dẫn mủ khi dây dẫn mủ ẩm thì phải thay dây. Tổng thời gian làm việc hàng ngày là 8 giờ. Sản lượng thực hiện của 3 tháng (5+6+7/2020) chỉ đạt bình quân 2,5 tấn/người.
Với sáng kiến này, NLĐ chỉ thao tác cạo mủ, thu mủ đông và bỏ qua công đoạn trút mủ nước nên tăng được số cây/phần cạo và khắc phục được tình trạng mưa làm mất mủ. Sản lượng bình quân tháng 3 tháng (5+6+7/2021) đạt 3,505 tấn/người (tăng so với cùng kỳ 40%).
Thời điểm TCT cho thí điểm sáng kiến này trong điều kiện lượng mưa chưa nhiều nhưng sản lượng thu được cao hơn cùng kỳ năm 2020 gần 7% (91tấn/85 tấn), do đó phương pháp này còn phát huy cao hơn trong những ngày mưa bão. Dự kiến cả năm 2021, sản lượng mủ trên diện tích 193 ha áp dụng sáng kiến này ước đạt 353 tấn (tăng 25% so cùng kỳ), năng suất vườn cây tăng đáng kể (đạt trên 1,8 tấn/ha).
Đạt được hiệu quả về kinh tế, xã hội
Năng suất lao động bình quân tăng đến 64% so cùng kỳ (13,5 tấn/người so với 2020 là 8,3 tấn). Sản lượng mủ thu được đảm bảo, năng suất lao động tăng, nhờ đó tiền lương bình quân của NLĐ tăng, đạt hơn 13,6 triệu đồng/người, tăng hơn 20% so với tiền lương bình quân của cả nông trường.
Anh Nguyễn Thế Hựu – Chủ tịch Công đoàn TCT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng kiến TCT cho biết: “Sáng kiến này cho thấy thời gian làm việc của NLĐ tăng không đáng kể (5,8%) nhưng đã giúp tăng thu nhập, tăng năng suất vườn cây, nhất là khắc phục được việc mất sản lượng mủ những ngày mưa bão.
Do đó, TCT đã cho áp dụng sáng kiến này trên 4 nông trường có vườn cây khai thác miệng cạo cao. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà sáng kiến này còn có hiệu quả về mặt xã hội, giúp giảm đáng kể lượng mủ chảy lan ra ngoài môi trường đất, nhất là vào những ngày trời mưa cây ẩm. Đảm bảo sức khỏe và tạo thuận lợi trong quá trình thao tác cho NLĐ khi làm việc”.
HÀ KHUÊ